Đại gia Bạch Thái Bưởi và bản di chúc dài 30 trang chấn động: Từ cậu bé bán hàng rong đến "tứ đại tỷ phú" đất Việt, để lại cho con cháu BĐS khắp 2 miền, có người nhận hàng chục nghìn Đô la

20/04/2024 10:36 AM | Sống

Đại gia Bạch Thái Bưởi từng gây chấn động dư luận khi viết bản di chúc dài đến 30 trang. Theo đó, bản di chúc này được viết bằng tiếng Pháp, lập trước ngày ông mất khoảng 3 tháng.

Chúa sông, vua mỏ Bạch Thái Bưởi

Vào cuối thế kỷ 20, khi nhắc đến những người giàu có nhất của đất Việt, người dân thường truyền miệng nhau câu nói "Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xương, Tứ Bưởi". Nhân vật thứ tư được nhắc đến trong câu nói này là Bạch Thái Bưởi.

Bạch Thái Bưởi, nguyên gốc họ Đỗ, quê ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Yên Phúc, phương Phúc La, quận Hà Đông). Bạch Thái Bưởi sinh ngày 8/7/1875 - Ất Hợi, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng có học. Cha mất sớm nên ông phải giúp mẹ mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Lúc ấy có một nhà phú hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi nên nhận làm con nuôi và đổi thành họ Bạch. Nhờ đó, ông có cơ hội ăn học, được đi học chữ quốc ngữ, chữ Pháp.

Đại gia Bạch Thái Bưởi và bản di chúc dài 30 trang gây chấn động: Từ cậu bé bán hàng rong đến "tứ đại tỷ phú" đất Việt, để lại cho con cháu BĐS khắp 2 miền, có người nhận hàng chục nghìn Đô la - Ảnh 1.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Xuất thân là một thư ký cho viên công sứ Pháp Bonnet, đến năm 20 tuổi, Bạch Thái Bưởi bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh. Nhờ tư chất thông minh, năm 21 tuổi, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ cử ông sang Pháp dự hội chợ Bordeaux.

Trong những ngày ở Pháp, không như những người khác dành thời gian du hí đây đó, Bạch Thái Bưởi nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp... Ông đi đâu, đến chỗ nào, cũng hí hoáy ghi chép.

Trên chuyến tàu trở về nước, trong đầu Bạch Thái Bưởi đã định hình rõ con đường phía trước mà ông sẽ đi. Đó là con đường kinh doanh.

Khi người Pháp mở đường sắt nối liền Bắc – Nam, nhận thấy nhu cầu tà-vẹt gỗ rất lớn, ông đã dốc hết vốn liếng cùng với một người Pháp đấu thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình này. Sau đó, ông mở một hiệu cầm đồ ở Nam Định, thầu thuế ở các chợ tại Vinh (Nghệ An)....

Bạch Thái Bưởi còn lấn sân sang lĩnh vực in ấn, mở "Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi", xuất bản tờ "Khai hóa nhật báo" nhằm cổ động phong trào thực nghiệp ở nước ta. Năm 1909, ông quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực mới: vận tải đường sông. Từ đó sự nghiệp kinh doanh của ông ngày càng phất cao, trở thành "Vua sông biển Đông Dương".

Trong vòng 10 năm (1909 -1919), Công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều sà lan chạy hầu hết tuyến sông miền Bắc, vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc… Ông dần trở thành một trong tứ đại gia nổi tiếng lúc bấy giờ và được người dân ca tụng với nhiều tên gọi mĩ miều "Chúa sông Bắc kỳ", "Vua tàu thủy Việt Nam", "Vua mỏ nước Việt"...

Bản di chúc dài 30 trang và khối tài sản khổng lồ

Bà Bạch Quế Hương - chắt nội của ông Bạch Thái Bưởi từng cho biết trên Vietnamnet, ông rất nóng tính. Con cái trong nhà làm gì sai trái ông phạt không nương tay. Bà Hương nói: "Tôi từng nghe kể về việc nghiêm khắc của cụ tôi. Một lần khi một người con trai (lúc này đã trưởng thành) đi đánh bạc suốt đêm. Cụ Bưởi biết chuyện đã rất giận. Thấy con về đến cửa cụ liền rút gậy baton ra đánh con. Do nóng giận vì con cái nên cụ lên cơn đau tim và mất. Đó là vào ngày 22/7/1932".

Sinh thời, ông Bạch Thái Bưởi dự định tạo dựng nhiều công trình như xây nhà máy xay gạo ở Nam Định với thiết bị mua từ Đức; xây nhà máy nước, nhà máy điện ở TP. Nam Định; xây đường sắt Nam Định - Hải Phòng…

Ông cũng dự định mua tàu viễn dương để chở than bán cho người ngoại quốc với lá cờ Bạch Thái Bưởi của người Việt tung bay phấp phới tại các cảng quốc tế...

Song cuối cùng, ông đã không thực hiện được giấc mộng của mình: "Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris".

Đại gia Bạch Thái Bưởi và bản di chúc dài 30 trang gây chấn động: Từ cậu bé bán hàng rong đến "tứ đại tỷ phú" đất Việt, để lại cho con cháu BĐS khắp 2 miền, có người nhận hàng chục nghìn Đô la - Ảnh 2.

Phần mộ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi trước khi được sưa sang - Ảnh: GĐCC

Bà Bạch Quế Hương khẳng định, hiện nay bà đang giữ bản di chúc của Bạch Thái Bưởi.

Bản di chúc này dài 30 trang, bằng tiếng Pháp, được lập trước ngày Bạch Thái Bưởi mất khoảng 3 tháng. "Cụ tôi mất đột ngột khi còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp và nhiều dự định dang dở, tuy nhiên dường như ông đã linh cảm được trước điều này", bà Thái Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, bản di chúc cho thấy tài sản của Bạch Thái Bưởi vô cùng lớn. "Cụ để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Có người nhận được hàng chục ngàn đô la...".

Bạch Thái Bưởi để lại nhiều bất động sản ở khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí - Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An).

Không chỉ bất động sản, ông còn sở hữu nhiều tàu, hầm mỏ. Đặc biệt, đóng góp quan trọng thứ hai sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh văn hóa (in ấn, xuất bản). Ông đã đầu tư xây dựng công ty in và xuất bản cũng như cho ra đời 1 tờ báo hàng ngày.

Trong bản di chúc, việc tiếp nối sự nghiệp kinh doanh, Bạch Thái Bưởi tin tưởng giao trọn cho con trai Bạch Thái Tòng.

Sau khi ông mất, gia đình đã làm mặt nạ bằng thạch cao để lưu giữ gương mặt người doanh nhân tài hoa này. Thời đó, chỉ có giới nhà giàu mới có thể làm mặt nạ thạch cao. Tấm mặt nạ thạch cao này đang được bà Quế Hương lưu giữ.

Bà Quế Hương kể: "Theo những người già quen biết gia đình ở Hải Phòng, đám tang cụ tôi lớn nhất thời bấy giờ ở Hải Phòng. Người đưa đám kéo dài hàng km. Trong đó có những người lao động nghèo từng được ông giúp đỡ ở các tỉnh, biết tin ông mất cũng kéo về.

Mộ của Bạch Thái Bưởi nằm trên một quả đồi của gia đình. Để đưa quan tài từ dưới lên trên đỉnh đồi, người nhà đã phải làm đường ray và dùng tời để chuyển quan tài lên. Một lực lượng người lớn phải huy động để vận chuyển".

Đại gia Bạch Thái Bưởi và bản di chúc dài 30 trang gây chấn động: Từ cậu bé bán hàng rong đến "tứ đại tỷ phú" đất Việt, để lại cho con cháu BĐS khắp 2 miền, có người nhận hàng chục nghìn Đô la - Ảnh 3.

Mặt nạ bằng thạch cao của ông Bạch Thái Bưởi - Ảnh: GĐCC

"Người ta kể rằng, tấm bia mộ của cụ Bưởi phải tôi hơn 2 tấn vôi. Điều đó cho thấy khu mộ được xây rất cẩn thận, hoành tráng. Tuy nhiên sau này tấm bia mộ này cũng không còn…", bà Quế Hương kể tiếp.

Sau khi Bạch Thái Bưởi mất, nhiều kẻ đã nhòm ngó tài sản trong phần mộ của ông. Họ tin rằng, với gia sản đồ sộ như vậy, ông phải được cải táng cùng rất nhiều vàng bạc, châu báu.

Chắt nội của Bạch Thái Bưởi cho biết: "Người phát hiện mộ cụ tôi bị đào trộm là một người làm công trong gia đình.

Gia đình người này trước đây được cụ tôi giúp đỡ nên rất hàm ơn cụ. Một lần trên đường đi làm mỏ, qua quả đồi, người này phát hiện mộ cụ bị đào trộm. Ông cùng gia đình đã chôn cất lại cho người quá cố".

Cũng theo bà Hương, xung quanh câu chuyện bị đào trộm mộ của Bạch Thái Bưởi có rất nhiều giai thoại.

"Người ta kể lại rằng, những kẻ đào trộm mộ sau đó đã phải mang đồ ăn cắp trả lại. Trong đó có một con nghê (bằng cái ấm) được làm bằng ngọc bích và một chiếc đồng hồ bằng vàng. Lúc đưa trở lại mộ, người ta lắc, chiếc đồng hồ vẫn chạy", bà Hương kể.

Năm 2013, gia đình bà Quế Hương đã di chuyển mộ doanh nhân Bạch Thái Bưởi về quê là khu Văn Quán, Hà Đông.

Mộ của ông được thiết kế hình con tàu, như cuộc đời của Bạch Thái Bưởi, một con người luôn luôn có khát vọng vươn ra biển lớn…

Tổng hợp

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM