Nhân viên "tiến thoái lưỡng nan" khi công ty tổ chức team building đúng dịp lễ 30/4: Đi thì tiếc ngày nghỉ, không đi thì sợ bị sếp đì

23/04/2024 14:37 PM | Sống

Nghe tin công ty tổ chức du lịch team building đúng dịp lễ 30/4, chị Loan cảm thấy sụp đổ hoàn toàn. Bởi biết bao kế hoạch về quê thăm bố mẹ đều tan vỡ.

Dở khóc dở cười vì công ty tổ chức du lịch đúng dịp lễ

Theo thông báo từ Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trong 5 ngày liên tục bắt đầu từ thứ bảy (27-4) đến hết thứ tư (1-5).

Nhận thông tin được nghỉ dài ngày, chị Phương Loan (Hà Nội) vô cùng vui mừng và lên ngay kế hoạch về thăm gia đình.

Chị Loan cho biết, quê chồng chị ở mãi Quảng Bình, hai vợ chồng làm việc và sinh sống tại Thủ Đô đã hơn 10 năm nay. Do đó, vợ chồng chị luôn chắt chiu những ngày nghỉ lễ, Tết để có thể đưa các con về chơi với ông bà.

"Mấy nhóc nhà mình biết sắp được về quê nên vui lắm, suốt cả buổi tối gọi điện cho ông bà khoe đã chuẩn bị quà, quần áo mới, đồ ăn ngon cho cả nhà. Rồi lên lịch đi thăm thú vài địa danh nổi tiếng luôn", chị Loan kể.

Nhân viên "tiến thoái lưỡng nan" khi công ty tổ chức team building đúng dịp lễ 30/4: Đi thì tiếc ngày nghỉ, không đi thì sợ bị sếp đì - Ảnh 1.

Nhiều công ty tận dụng dịp nghỉ lễ 30/4 để tổ chức đi du lịch

Thế nhưng, trong cuộc họp thứ 2 đầu tuần vừa rồi, chị Loan vô cùng bất ngờ khi sếp đưa ra ý kiến sẽ tận dụng kỳ nghỉ để tổ chức cho công ty đi du lịch tại Hạ Long. Chi phí sẽ được đối tác của công ty tài trợ, nếu nhân viên dẫn theo người nhà thì sẽ đóng thêm tiền phát sinh.

Chị và một vài đồng nghiệp trong lòng tuy không vui nhưng lại không dám lên tiếng phản đối. Bởi sếp của chị Loan khá khó tính và độc tài. Nếu không phải các lý do chính đáng như ma chay hiếu hỉ, bị ốm nặng,...thì bất kỳ lời từ chối tham gia nào cũng không được phê duyệt.

Tối hôm đấy về nhà chia sẻ với chồng và các con, chị đành phải thống nhất 3 bố con về quê còn mình sẽ đi chơi với cơ quan 3 ngày 2 đêm.

Không chịu khuất phục như chị Loan, chị Hải Yến (25 tuổi, Hà Nội) quyết tâm từ chối chuyến du lịch do công ty tổ chức vào kỳ nghỉ lễ 5 ngày.

Chị Yến cho biết, bản thân sống hướng nội nên không quá thân thiết với đồng nghiệp, nên rất ngại cười nói xã giao trong thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi này.

"8 tiếng mỗi ngày ở văn phòng là quá đủ với tôi. Ngày lễ, tôi không muốn tiếp tục gặp gỡ đồng nghiệp, lãnh đạo, nói chuyện công việc. Hơn nữa công ty tôi chỉ tài trợ vé máy bay và khách sạn, tiền ăn phải tự bỏ tiền túi", Hải Anh nói.

Dù không bắt buộc toàn bộ nhân sự tham gia nhưng các cấp quản lý của chị Yến vẫn tìm cách động viên từng nhân viên, thể hiện sự thất vọng khi cô không góp mặt. Nữ nhân viên văn phòng phải từ chối đến lần thứ 3 mới không bị gọi tên nữa.

Team building là mệt mỏi theo một cách khác

Các hoạt động tập thể do công ty, đơn vị sử dụng lao động tổ chức khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp thế giới. Có nhiều hình thức khác nhau, từ ăn tối chung đến tham quan du lịch. Các nhà quản lý xem đây là hoạt động quan trọng để gắn kết tinh thần của nhân viên nhưng không phải ai cũng đồng tình và hưởng ứng.

Chẳng hạn như trường hợp của Zhou - một nhân viên ở Thâm Quyến, Trung Quốc từng gây bão mạng vì bị sa thải do không tham gia team building được tổ chức sau giờ làm việc.

Nhân viên "tiến thoái lưỡng nan" khi công ty tổ chức team building đúng dịp lễ 30/4: Đi thì tiếc ngày nghỉ, không đi thì sợ bị sếp đì - Ảnh 2.

Nhân viên của một công ty tại Thẩm Quyến đang tham gia trò chơi tập thể - Ảnh: SixthTone

Cô cho biết nếu tham gia sẽ về nhà muộn và phải đi một chặng đường dài mệt mỏi. Zhou xem hoạt động này là lãng phí thời gian. Ảnh chụp màn hình lịch sử trò chuyện cho thấy Zhou được yêu cầu tham gia ba bài tập nhóm và một bữa tối nhóm mỗi tháng. Hàng tuần, công ty sẽ theo dõi sự tham dự của nhân viên.

Sau khi bị đuổi việc, Zhou đã nộp đơn kiện chủ sử dụng lao động.

Tờ Worker's Daily của Liên đoàn các tổ chức Công đoàn Trung Quốc lên án hành vi ép buộc người lao động tham gia các hoạt động tập thể ngoài giờ và kêu gọi nhà tuyển dụng tôn trọng mong muốn của họ. Theo bài báo, việc sa thải nhân viên vì không tham gia team building không nhằm bảo vệ lợi ích công ty mà chỉ thể hiện tư duy muốn cấp dưới phục tùng vô điều kiện.

Theo một nghiên cứu năm 2018 tại Mỹ, chỉ 11% người lao động tin rằng team building giúp họ tăng cường sự tự tin trong công việc. Trong khi đó, chỉ 14% đồng ý những hoạt động như vậy có thể cải thiện sự giao tiếp với cấp trên và đồng nghiệp. Dưới 1/5 cảm thấy team building khiến các mối quan hệ tại văn phòng trở nên tốt đẹp hơn.

Dù vậy, hầu hết công ty tổ chức những sự kiện này ít nhất 1-2 lần/năm, gây ra sự mệt mỏi bởi nhiều lý do.

Nghiên cứu năm 2021 từ Đại học Sydney (Australia) cho thấy phần lớn nhân viên không thích bị ép tham gia team building. Họ thậm chí coi đó là điều cấm kỵ đối với sự tồn tại của mình tại nơi làm việc, theo The New Daily.

Nhân viên "tiến thoái lưỡng nan" khi công ty tổ chức team building đúng dịp lễ 30/4: Đi thì tiếc ngày nghỉ, không đi thì sợ bị sếp đì - Ảnh 3.

Không phải ai cũng thực sự vui vẻ khi tham gia team building

PGS Julien Pollack, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Nhiều người không muốn bị ép phải vui vẻ hoặc kết bạn, đặc biệt là khi công việc của họ quá bận rộn và môi trường làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, những hoạt động này thường mang tính bắt buộc ngầm. Nhân viên có thể cảm thấy cấp trên tọc mạch hoặc cố kiểm soát cuộc sống riêng tư của họ quá nhiều".

Adrian Gostick, tác giả của một số cuốn sách về nhân viên văn phòng, cho biết: "Không ai muốn bị nói rằng 'Đây là hoạt động tập thể, bạn sẽ là kẻ tồi tệ nếu không tham gia'".

Song, những bữa tiệc hào nhoáng lúc đầu có thể hiệu quả nhưng các công ty cần chiến lược vui vẻ lâu dài hơn. Họ phải tạo ra hoạt động team building đủ ý nghĩa để nhân viên muốn tham gia và đủ hấp dẫn để khiến họ trở lại.

"Không ép buộc, không phải nghĩa vụ. Lãnh đạo phải cho cấp dưới lựa chọn không tham gia nếu không hào hứng. Bởi với mọi người, mỗi phút giây trôi qua đều quý giá. Nếu ông chủ muốn nhân viên san sẻ thời gian, họ phải sử dụng nó một cách khôn ngoan", ông cho biết.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM