Sau khi ông Nguyễn Đức Tài xin lỗi cổ đông, đến lượt ông Lê Viết Hải "nhận trách nhiệm" vì kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình, nhắc lại "cuộc nội chiến" đầu năm 2023

22/04/2024 16:36 PM | Kinh doanh

"Khi ấy, tôi vốn đã định lui về phía sau nhưng phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để chèo lái con thuyền Hòa Bình", ông Lê Viết Hải đề cập tới "cuộc nội chiến" trong HĐQT Xây dựng Hòa Bình ngay ngày đầu tiên năm 2023.

Sau khi ông Nguyễn Đức Tài xin lỗi cổ đông, đến lượt ông Lê Viết Hải "nhận trách nhiệm" vì kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình, nhắc lại "cuộc nội chiến" đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều công ty năm vừa qua ghi nhận kết quả kinh doanh không như mong đợi. Đối với CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), 2023 thậm chí được ban lãnh đạo coi là một trong những năm khốc liệt nhất trong lịch sử hoạt động.

Tính lũy kế cả năm, "ông trùm bán lẻ" này đạt doanh thu hơn 118.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, giảm lần lượt 11,3% và 96% so với năm 2022, chỉ hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu và 4% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 13/4, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài gửi lời cảm ơn đến các cổ đông đã đồng hành cùng công ty vượt qua năm 2023 đầy thách thức. Cùng với đó, ông cũng gửi lời xin lỗi cổ đông vì một năm đầu tư vào MWG không đem lại hiệu quả, cam kết sẽ nỗ lực để cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm nay.

Một công ty khác trên sàn chứng khoán cũng phải trải qua một năm 2023 không suôn sẻ là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình cũng gọi 2023 là năm “có nhiều khó khăn thử thách nhất trong hành trình 36 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn”.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2023, Xây dựng Hòa Bình đạt doanh thu hơn 7.531 tỷ đồng, chỉ tương ứng 60% kế hoạch đã đề ra. Đây là năm thứ hai HBC ghi nhận lợi nhuận âm và âm tới hơn 1.115 tỷ đồng.

Chủ tịch Lê Viết Hải đính chính về vốn chủ sở hữu

Con số đáng chú ý khác trong báo cáo là vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình chỉ còn hơn 93 tỷ đồng, giảm tới 92% so với năm 2022.

Trong Báo cáo thường niên 2023 vừa công bố, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã gửi thông điệp tới các cổ đông, trong đó giải thích kỹ về vốn chủ sở hữu.

… Con số này hoàn toàn khác xa với thực tế. Theo báo cáo tài chính quản trị do khối Tài chính kế toán của Hòa Bình lập, dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường cũng như Tập đoàn, vốn chủ sở hữu của Hoà Bình là khoảng 5.539 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với vốn chủ sở hữu trong Báo cáo tài chính kiểm toán.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch lớn này đã được trình bày tại mục Thuyết minh về vốn chủ sở hữu theo Báo cáo Quản trị tại trang số 143”, ông đính chính.

4 lý do chính được đưa ra trong Báo cáo Quản trị này liên quan đến sự khác nhau giữa công ty kiểm toán và khối Tài chính kế toán của HBC về cách định giá bất động sản, cách tính khấu hao, các khoản phải trích lập dự phòng, các khoản phải thu.

Sau khi ông Nguyễn Đức Tài xin lỗi cổ đông, đến lượt ông Lê Viết Hải "nhận trách nhiệm" vì kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình, nhắc lại "cuộc nội chiến" đầu năm 2023 - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh tổng quan năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình. Nguồn: HBC.

Nhận trách nhiệm với cổ đông, nhắc lại "cuộc nội chiến" đầu năm 2023

Tuy nhiên, trước kết quả kinh doanh không như mong đợi, ông Lê Viết Hải đã nhận trách nhiệm với các cổ đông.

Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi năm 2023 vừa qua đã không đưa Hòa Bình phát triển theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của Tập đoàn”, vị Chủ tịch bày tỏ, đồng thời cam kết cố gắng hết sức để đưa công ty vượt qua sóng gió, bảo vệ quyền lợi cao nhất của cổ đông.

Giải thích rõ hơn về tình hình, ông cho biết “có những khó khăn đã manh nha từ năm 2017”, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở đô thị và du lịch nghỉ dưỡng, hai lĩnh vực xây dựng chủ yếu của Hòa Bình.

Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp hơn vốn lên đến vài chục phần trăm. Đồng thời, không ít nhà thầu lớn đã sử dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành được công trình.

Bối cảnh chung là vậy nhưng Hòa Bình lại bắt đầu năm 2023 với một câu chuyện không mong muốn – cuộc “nội chiến” trong HĐQT diễn ra vào ngày giáp Tết Nguyên đán. Khi ấy, tôi vốn đã định lui về phía sau nhưng phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để chèo lái con thuyền Hòa Bình”, ông Lê Viết Hải cho biết.

Sau khi ông Nguyễn Đức Tài xin lỗi cổ đông, đến lượt ông Lê Viết Hải "nhận trách nhiệm" vì kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình, nhắc lại "cuộc nội chiến" đầu năm 2023 - Ảnh 3.

Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú.

Sự việc trên bắt đầu kể từ khi ông Lê Viết Hải nộp đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và rút khỏi HĐQT, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Chủ tịch mới dự kiến là ông Nguyễn Công Phú. Tuy nhiên, trước khi quyết định này có hiệu lực, HBC bất ngờ tuyên bố hoãn thi hành các quyết định thay đổi nhân sự, bao gồm 2 quyết định miễn nhiệm ông Lê Viết Hải và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú.

Sau khi nội bộ ban lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đưa ra các thông tin trái chiều, cuối cùng, vào tháng 2/2023, ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HĐQT. Ông Lê Viết Hải tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của HBC.

Trong thông điệp gửi các cổ đông, ông Lê Viết Hải khẳng định Xây dựng Hòa Bình đã vượt qua tình thế “bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc”, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng với chiến lược “Khôi phục vị thế” mà HĐQT và Ban điều hành đề ra, cùng kinh nghiệm tích lũy gần 4 thập kỷ và sự tin tưởng từ các bên, Hòa Bình sẽ sớm vượt qua giai đoạn biến động.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM